CANH CHUA CÁ LÓC

30 Tháng Mười 201312:30 SA(Xem: 26414)

“Ví dầu cá lóc nấu canh
Bỏ tiêu cho ngọt bỏ hành cho thơm”


am_thuc_viet_nam_canh_chua_ca_loc_8Nghe câu ca dao mà lòng muốn xuôi theo mái ghe về Miền Tây quá chừng. Thiệt tình, hồi đó Má nấu bỏ tiêu bỏ hành chi cho ngon quá, để tụi con đi đâu cũng nhớ hoài món canh chua cá lóc Miền Tây quê mình. Hồi đó mỗi lần nấu canh chua Má hay lèm bèm “con gái Miền Tây mà hổng biết nấu canh chua thì ế ráng chịu à nghen!” Vậy mà giờ lên Sài Gòn con nấu hoài, nấu y chang má, mà sao cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó, ăn hổng đã như cái hồi ở nhà….

Bạn đã bao giờ ăn món canh chua cá lóc ngon hết xẩy của quê tui chưa? Nếu chưa, bữa nay tui sẽ chèo thuyền đưa bạn về bắt cá lóc nấu canh ăn thử nghen!

Canh chua là món ăn quen thuộc với hầu hết người dân Việt Nam, mà đặc biệt là bà con Miền Tây. Không chỉ quen thuộc mà nó còn là món khoái khẩu của hầu hết người dân quê tui. Với đặc thù sông nước mênh mông, vườn tược sum suê, bạn có thể dễ dàng tìm đủ nguyên liệu cho một nồi canh chua ngon lành từ chính ao nhà, rau vườn. Bởi vậy mà món canh chua cá lóc gần gũi và thân thiết với từng bữa cơm đạm bạc của mỗi gia đình. Nói đạm bạc vì nguyên liệu không quá tốn kém, vậy chứ cứ thử nhìn nồi canh chua đủ thứ màu xanh, đỏ, vàng…như một bức tranh hòa sắc, thơm lừng mùi ngò ôm, mùi tỏi phi, mùi ớt chín, từng khúc cá trắng nõn được gắp ra đĩa, tỏa nghi ngút khói, thì với tui bấy nhiêu là đủ “sang - chảnh” lắm rồi!

Mà cũng lạ, canh chua thân quen lắm rồi, vậy mà hồi đó mỗi lần nghe Má nấu canh chua là chị em tui mừng thầm, thằng em tui hay nhắc “ Hai để giành bụng chút nữa ăn cơm với canh chua nghen Hai” y như sắp được ăn của ngon vật lạ gì không bằng. Mà tui chắc chắn một điều, là không riêng gì chị em tui đâu mà mấy đứa nhỏ trong xóm đứa nào cũng khoái ăn cơm với canh chua, trong tiềm thức tụi tui canh chua vừa đẹp, vừa ngon và vừa thân quen, vừa gần gũi. Thêm nữa là đứa nào ăn cá lóc cũng ít nhất một lần bị mắc sương, mỗi lần ăn miếng cá thêm cái cảm giác như mạo hiểm, chinh phục một điều gì đó cũng đủ thú vị hơn bao nhiêu món ăn khác rồi.

Mỗi lần nấu canh chua là hai chị em tui tự phân công lao động, em thì theo Tía câu cá, còn tui thì theo Má hái rau nấu canh. Canh chua mà thiếu rau thì Má nói y như “Miền Tây thiếu nước, bến đò thiếu ghe vậy đó, buồn thiu à! “ Tui thích ngồi ghe đi hái điên điển mùa nước lên với má, thích bẻ bông súng dưới ao, mùa nào có bông so đũa thì nồi canh có thêm vị, rồi chạy ra phía sau nhà hái thêm ít bẹ tai tượng, bạc hà, ít trái đậu bắp với ngắt nắm ngò ôm. Bao nhiêu là rau rồi mà Má còn kêu chưa đủ, sai tui ra chợ mua thêm nửa trái thơm, ít ngàn rau giá, vài trái cà chua với bó rau nhút. Nhiều khi làm biếng, nói Má hay khỏi ra chợ mua, nấu vậy thôi mà nhất định phải đầy đủ vậy Má mới nấu cho ăn. Vậy là phải nghiêm chỉnh nghe lời không thì mất ăn canh chua…Thiệt tình tui không biết mấy “Ngoại’, mấy “Dì”, mấy “Thím” ai nghĩ ra món canh chua mà tài tình hết biết, bao nhiêu thứ rau không họ hàng, bà con gì hết trọi mà khi kết hợp vô cùng một nồi canh thì đủ màu, đủ vị chua, ngọt. Chèn ơi! thơm ngon phải nể luôn hà!

Lớn lên chút xíu, thấy Má nấu canh là tui kè kè theo học nghề, hổng phải tui sợ ế như Má nói, mà chỉ tại sợ mai này lỡ có đi xa, nhớ quê thì nấu canh chua cá lóc ăn cho đỡ buồn… Má nói, nấu canh chua ngon thì phải chọn con cá vừa phải, tầm độ bảy lạng tới một kí lô là được, nhỏ quá thì nhiều xương ít thịt, mà to quá thì thịt cá bở ăn không ngon. Cá thì xắt lát từng khoanh, khoảng hai phân, rồi Má đem ướp với nước mắm ngon, sát thêm ít ớt hoặc muỗng tiêu xay nhuyễn cho bớt tanh. Điều đặc biệt là Má với mấy Thím trong xóm, làm cá không bao giờ bỏ bao tử. Má nói bỏ bao tử là Tía tui buồn, có lần mạo gan làm Tía buồn, tui giành ăn thử miếng bao tử mới ngộ ra, ai dại mới đi bỏ bao tử cá lóc. Mèn ơi! miếng bao tử ăn ngon khỏi nói, vừa giòn, vừa béo, vừa dai, lại có vị nhẫn nhẫn lạ miệng, ăn một lần là nhớ hoài… Phần bao tử Má lộn ngược ra, sát với muối cho sạch rồi đem ướp chung với phần thịt cá. Trong lúc chờ cá thấm thì tui với Má ngồi lặt rau, đủ thứ rau được lặt sạch ngắt khúc, bạc hà thì tước vỏ, cắt xéo vừa cỡ ăn, đậu bắp, thơm và cà chua cũng xắt sẵn ra thành từng miếng để riêng…. chỉ nhìn rổ rau thôi cũng đủ thấy Miền Tây tươi tốt, dồi dào và trù phú cỡ nào rồi!

Sau khi mọi thứ đã chuẩn bị đầy đủ, tui đứng nhìn Má nhanh nhẹn, thoăn thoắt, và hết sức khéo léo, bắt đầu khâu quan trọng là làm cho tất cả nguyên liệu nhìn có vẻ phức tạp trong tô, trong rổ hòa hợp với nhau vào một nồi nước đã bắc sẵn trên bếp. Trước tiên Má lấy hủ me trong chạng bếp ra, múc me ra chén rồi dằm với nước, sau đó má cho nước me vào nồi. Trong lúc chờ nước canh sôi, để khử mùi tanh của cá, Má phi tỏi rồi cho cá vào, trở qua lại vài lần là nước canh vừa sôi, cho hết hỗn hợp cá và dầu phi tỏi vào nồi. Khói bốc lên nghi ngút mang theo mùi me chua, mùi tỏi phi và mùi cá thơm lựng thi nhau len vào mũi, canh thì chưa chín mà bụng tui bây giờ đã réo om xòm rồi…. Chờ cho nước sôi vài bận, Má lần lượt bỏ các thứ rau quả vào, đầu tiên là cà chua và thơm vào trước để nước canh ngọt ngon hơn, sau đó là đậu bắp rồi tới bạc hà, bông súng, rau nhút….lần lượt, lần lượt từng loại được cho vào nồi. Tới phần nêm nước canh, ngoài những thứ gia vị thông thường, Má dặn kỹ, nấu canh chua là phải nhớ nêm vào miếng nước mắm, không có nước mắm thì nồi canh coi như nhạt nhẽo và mất hết vị điềm đạm, đậm đà. Nhìn nồi canh từ từ đầy ắp với đủ thứ rau quả đủ màu mới sướng làm sao, cá được vớt riêng ra đĩa, canh rau Má múc ra tô, rau ngò ôm được cắt nhỏ rãi đều trên mặt tô canh, thêm mấy lát ớt cắt mỏng nữa là tô canh sẵn sàng lên mâm

Từ ngoài sân, nghe được mùi thơm từ rau ngổ sộc vào mũi, thằng em tui chạy vô nhìn tô canh mắt sáng rực, nhom nhem, thòm thèm, chép miệng… “Má với Hai quá đã! ”, ý nó là Má với chị Hai nấu canh ngon quá mà nói cho lẹ để được ăn nên gọn lỏn vậy đó. Ăn canh chua là được ăn bằng mắt nữa, Nhìn tô canh mới thấy yêu làm sao cái tính dễ dãi và phóng khoáng đến bạt ngàn của con người quê tui, chưa nếm mà chỉ nhìn thôi cũng thấy “khoái” rồi, tô canh bự thiệt bự mà cái nhiều nước ít, nước canh trong vắt với bao nhiêu màu vàng, đỏ, xanh... miếng cá trắng nõn gắp chấm thêm miếng mắm nhĩ pha miếng ớt thì thơm ngon ai chịu nổi! Canh chua đúng vị phải đủ chua, đủ ngọt, cái đủ ở đây là đủ để hai vị chua ngọt kết hợp, hòa lẫn dịu dàng, nhịp nhàng nâng đỡ nhau trong vị giác người ăn. Thêm vào là vị cay của ớt, đăng đắng, nhẫn nhẫn của rau tai tượng, bông so đũa và trái đậu bắp nữa. Bao nhiêu vị ngọt, chua, cay đắng của đời người như nằm trọn trong tô canh chua. Bởi vậy, có ăn hoài cũng hổng ngán bao giờ!

Dễ dầu gì tìm được món ăn gần gũi với trời đất như món canh chua, Tía hay nói tụi tui “Ăn canh chua vừa ngon vừa bổ, ăn cho nhiều, mau lớn Tía thương! ” Sau này đi học và ngẫm mới thấy Tía nói đúng, cá lóc giàu vitamin và khoáng chất là thực phẩm dưỡng sinh bậc nhất, các loại rau giá, bạc hà, rau nhút, so đũa, bông súng… có tác dụng giải nhiệt, nhuận trường và tiêu trừ độc hại cho cơ thể. Ngày hè nắng nóng mà được ăn canh chua thì mát dạ phải biết. Bao nhiêu là công dụng trong một tô canh, thử hỏi không thương không quý sao được!

Tui không biết kể vậy bạn có tưởng tượng hay phần nào cảm nhận được sự đặc biệt của món canh chua dân dã, gần ruộng gần ao của quê tui “hông”? Dịp nào đó bạn mời bạn về Miền Tây trải nghiệm cái cảm giác ngồi ăn cơm nóng với canh chua, thêm đĩa cá kho tộ mằn mặn, rồi nghe mấy “Ngoại”, mấy “Dượng” mấy “Cậu” ngồi đàn ca tài tử thử coi…

“Ăn cơm có cá, có canh
Ăn vô mát bụng như anh gặp nàng”

Thưởng thức một bữa cơm với canh chua cá lóc đẹp mắt, ngon mùi và đa vị giữa cây cối, ruộng đồng để thấy đời sống tinh thần giàu có của con người Miền Tây, ta nói “Sướng dữ thần ông địa luôn à nghen!”….

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn