Dưa Kiệu - Dưa Hành - Dưa Món - Cải Chua Ngày Tết

16 Tháng Giêng 20146:14 CH(Xem: 12187)
Mỗi dịp tết về nhà nhà luôn chuẩn bị bánh chưng, bánh tét và các món khác như thịt xông khói … Nhưng để những món đó thêm ngon thì cần có những món ăn đi kèm như món dưa món, củ kiệu và dưa hành. Sau đây là những hướng dẫn làm dưa món và củ kiệu ngày tết, các bạn có thể tham khảo để chuẩn bị cho ngày tết thêm hoàn hảo.
am-thuc-viet-nam-dua-mon-1
1. Dưa củ kiệu ngày tết
Củ kiệu là củ của cây kiệu, là cây thảo nhỏ thuộc họ hành, có thân hành màu trắng, hình trái xoan thuôn. Lá mọc ở gốc, hình dải hẹp, nửa hình trụ, dài 15 - 60cm, rộng 1,5 - 4mm.
Cụm hoa hình tán kép trên một cuống hoa dài 15 - 60cm, mang 6 - 30 tán hoa màu hồng hay màu tím), củ có màu trắng, hình tròn hoặc tròn dài giống củ hành nhưng thường nhỏ hơn, củ có nhiều vảy mỏng bọc bên ngoài.

Ngoài tên gọi là củ kiệu còn có tên gọi khác tiểu toán (tỏi nhỏ), tiểu căn toán, dã toán, đại đầu thái tử, hỏa thông... Cây kiệu được trồng khắp nơi, nhân dân thường trồng để lấy củ muối dưa, dùng lá làm gia vị như một loại rau thơm.

Ngoài được dùng để làm thức ăn, củ kiệu còn dùng làm thuốc phòng chữa nhiều bệnh, nhất là những người dân ở nơi rừng núi, rét mướt, ẩm thấp. Theo Y học cổ truyền, củ kiệu có vị cay, đắng, tính ấm vào ba kinh phế, vị và đại tràng. Có tác dụng thông hoạt lợi, thông dương, tán kết, hành khí, giảm đau, làm ấm bụng dùng chữa viêm mũi mạn tính, nôn khan, sưng đau cơ khớp, chữa bỏng, chữa đau bụng, tức ngực khó thở...

Nguyên liệu:
  • 1 kg củ kiệu ngon
  • 300g muối
  • 150g đường
  • 1/2 lít dấm
  • 1 muỗng canh vôi trắng
  • 1 muỗng cà phê phèn chua

am-thuc-viet-nam-dua-kieu


Cách làm:

Kiệu chọn loại ngon, cắt bỏ phần rễ và lá (chỉ cắt bỏ một phần, phần còn lại sau khi ngâm sẽ cắt tiếp).

Hòa 150g muối + ½ lít dấm, ngâm kiệu trong khoảng 1 ngày. Vớt ra tiếp tục cắt sát phần gốc rễ nhưng đừng chạm thịt (vì chạm thịt kiệu dễ bị úng), vớt ra, xả kiệu sạch dưới vòi nước.

Phèn chua đốt trên lửa cho phồng (nhằm giải độc) rồi hòa tan trong 2 lít nước ấm, để nguội. Cho kiệu vào ngâm 1 ngày, (kiệu lúc này rất dễ làm sạch, nên chỉ việc dùng tay chà xát nhẹ, phần vỏ đen bên ngoài sẽ tự bong). Vớt ra, xả kiệu sạch dưới vòi nước, kiệu sẽ rất trắng và sạch.

Hòa vôi trắng với 2 lít nước lọc, lấy nước trong. Cho kiệu vào ngâm 3 giờ nữa. Vớt kiệu để ráo nước, rồi mang phơi ngoài nắng, chỗ thoáng gió cho khô và hơi héo. Xếp kiệu vào trong hũ thủy tinh hay hũ nhựa cho thật chặt.

Nấu 2 lít nước + 150g muối + 150g đường + ½ lít dấm cho sôi, để nguội. Đổ nước dấm đường đầy hũ. Ngâm kiệu trong khoảng từ 7 – 10 ngày là dùng được.


2. Dưa hành ngày tết

Nguyên liệu:

  • 1kg hành khô
  • Nước vo gạo
  • Muối
  • Đường
  • Giấm trắng

am-thuc-viet-nam-dua-hanh


Cách làm:

1kg hành khô không bóc vỏ, cho vào chậu ngâm nước vo gạo, bỏ thêm ít muối hột, ngâm trong một đêm.

Sáng hôm sau, đổ nước vo gạo, thay bằng nước lã, cũng bỏ thêm muối vào ngâm như trên, ngâm thêm một ngày (ngâm hành có tác dụng cho hành đỡ cay hơn). Sau đó bóc vỏ, cắt rễ, để ráo nước.

Bước tiếp theo, chúng ta đun nước sôi, để nước giảm nhiệt độ, có thể lấy ngón tay để thử nước, nước vừa đủ độ nóng ấm, không để nước nóng quá sẽ làm chín củ hành và sẽ rất khó lên men khi muối.

Pha 2 thìa muối, 2 thìa đường, 2 thìa giấm trắng vào 1 lít nước.

Xếp củ hành vào lọ thủy tinh, đổ nước đã pha sẵn cho ngập, rồi nén như muối dưa.

Sau 1 tuần hành mới ăn được, ăn trước hành sẽ có mùi hăng.

3. Dưa món ngày tết:

Nguyên liệu:

  • Củ cải trắng
  • Cà rốt
  • Tỏi cắt lát
  • Ớt cắt lát
  • Nước mắm và đường
  • Keo lọ dùng để đựng dưa
am-thuc-viet-nam-Dua-mon-3


Cách làm:

Cà rốt, củ cải gọt vỏ cắt lát dài khoảng 0,5cm (hay cắt khúc dài rồi chẻ nhỏ lại tùy thích).

Nếu trời có nắng thì phơi nắng cho héo héo còn không có nắng thì cho vào lò nướng bật lò nhiệt độ nhỏ nhất, sấy cho héo trong vòng vài giờ.

Nếu khô quá thì nên ngâm lại với nước lạnh cho mềm 1 chút.

Khi nguyên liệu đã héo vừa ý, bắc nồi nước sôi cho tất cả vào trụng sơ khoảng 10 đến 20 giây.

Cho ra thau nước lạnh ngâm và rửa lại vắt cho thiệt ráo nước.

Trong thời gian đó nấu nước mắm + đường và chút xíu nước cho sôi, tắt lửa chờ nguội. Nêm nếm cho đậm đà là được.


Cho cà rốt, củ cải, tỏi, ớt vào lọ. Cho nước mắm đã nguội vào, dùng vỉ tre hay nhựa có đường kính bằng lọ, ấn cho tất cả rau củ không nổi lên khỏi mặt nước mắm là được.

Cất vào tủ lạnh hay chỗ thoáng mát sau 3 ngày hay 1 tuần là dùng được.

Gắp ra dĩa ăn kèm với bánh tét, bánh chưng hay thịt đông rất ngon.

3. Dưa cải ngày tết:

Nguyên liệu

-1kg cải bẹ xanh, loại dùng để muối dưa

-1lít nước vo gạo

-20g đường

-60g muối, loại hạt to

-Một bó hành lá

am-thuc-viet-nam-Dua-cai

Cách làm

Cải bẹ xanh chưa được rửa, cắt miếng vừa ăn, cắt khúc đầu trắng của hành lá đem phơi ngoài trời, dưới bóng râm để dưa héo. Đây là cách làm cho dưa giòn.

Sau khi phơi, rửa dưa cho sạch rồi cho vào keo thủy tinh, đổ ngập nước vo gạo đã hòa với 20g đường, 60g muối hạt. Đường và đầu hành có tác dụng giúp dưa nhanh chua, còn nước vo gạo làm dưa có màu vàng đẹp.

Phơi hũ dưa ra ngoài nắng khoảng vài tiếng mỗi ngày, đến ngày thứ ba là dưa đã chua và vàng rực. Nếu không có điều kiện phơi nắng, có thể để hũ dưa gần bếp đun, hơi nóng từ bếp tỏa ra cũng giúp dưa nhanh lên men.

Dưa muối rất hợp với những đồ ăn có nhiều đạm, giúp tiêu hóa tốt, làm bữa cơm ngon miệng hơn.

Chúc các bạn có một mùa xuân thật ấm áp, hạnh phúc bên gia đình của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn