Xôi ngũ sắc là món ngon đặc sản của núi rừng Tây Bắc. Bằng các thứ lá cây rừng và gạo nếp nương, người miền núi Tây Bắc đã sáng tạo ra một món ăn vô cùng đẹp mắt và độc đáo. Theo quan niệm của một số đồng bào các dân tộc thiểu số như: Cao Lan, Tày, Nùng, Thái,… ở khu vực miền núi phía Bắc thì mỗi màu sắc thể hiện những ý nghĩa triết lý vũ trụ, nhân sinh trong ‘‘ngũ hành”. |
Những ai đã được tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp của mâm xôi ngũ sắc, ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt và được nếm miếng xôi dẻo quánh, béo ngậy chắc hẳn sẽ không thể quên được món ăn vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng này. |
Gọi là xôi ngũ sắc vì khác với các loại xôi thông thường, xôi ngũ sắc được tạo nên bởi năm loại xôi với năm màu khác nhau. Đó là màu đỏ, màu vàng, màu xanh, màu tím và màu trắng Cách chế biến xôi ngũ sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc cơ bản giống nhau. Tuy nhiên, tùy điều kiện từng vùng, họ có thể pha trộn hoặc dùng các màu khác nhau ngoài những màu cơ bản trên để tạo nên xôi ngũ sắc. Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm: Gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây rừng để nhuộm màu. Màu đỏ dùng quả gấc, lá cơm đỏ. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau… Trước khi nhuộm màu xôi, gạo nếp vo sạch đem ngâm trong nước lã từ 6 - 8 giờ để hạt gạo có độ nở vừa phải. Chia gạo ra thành 5 phần, mỗi phần tương ứng với một màu. Sau khi nhuộm màu, đến công đoạn cuối cùng là đồ xôi. Khâu này đòi hỏi phải thật khéo léo mới có được món xôi như ý. Gạo ngâm màu nào dễ phai nhất được cho vào chõ đầu tiên, kế đến là các màu còn lại, màu trắng trên cùng. Phải đồ mỗi màu một chõ riêng. Có nơi bày thành bông hoa 5 cánh, mỗi cánh một màu, có nơi bày theo hình ruộng bậc thang, mỗi bậc một màu, có nơi dùng khuôn gỗ đóng thành tháp, nhiều tầng… |
Với màu sắc hấp dẫn, hương vị đặc trưng của gạo nếp nương, thêm những mùi vị rất riêng của các loại lá rừng tạo cho xôi ngũ sắc có những dư vị thật độc đáo và khác lạ. Điều đặc biệt hơn, đây không chỉ đơn thuần là món ăn, mà còn là tinh hoa văn hóa ngàn đời. Mỗi màu sắc trong xôi đều mang ý nghĩa triết lý riêng. Theo quan niệm của người Cao Lan, năm màu tương ứng với “ngũ hành” có sự tương sinh, tương khắc. Màu đỏ tượng trưng cho hỏa, đen là màu của thủy, trắng là màu của kim, vàng là màu của thổ, xanh hay tím tượng trưng cho mộc. Đặc biệt, vào dịp Tết, người Cao Lan còn làm xôi với đề tài chúc tụng, mừng Xuân, cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với gia đình, bản thân như xôi có chữ “Phúc – Lộc – Thọ”... Với người Tày, xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống vào các dịp cúng giỗ, cưới hỏi, vào nhà mới và các ngày Tết mồng 5 tháng 5, ngày rằm tháng Bảy hằng năm… Đồng bào Tày quan niệm, nếu xôi nhà ai pha chế màu chuẩn, đẹp thì được xem là người khéo tay, làm ăn phát đạt. Với người Thái, mỗi màu xôi, ngoài việc thể hiện “ngũ hành”, còn thể hiện khát vọng yêu thương, tình yêu son sắt, thủy chung, lòng yêu mẹ, kính cha. Xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng sống, cho những ước mơ. Xôi màu tím tượng trưng cho đất đai trù phú, quý giá. Xôi màu vàng tượng trưng cho sự no ấm và phồn thịnh. Xôi màu xanh tượng trưng màu của núi rừng Tây Bắc, màu của bầu trời xanh bao la. Xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng, thủy chung... Cách trình bày 5 màu xôi trên một mâm có hình cánh hoa ban còn thể hiện tình yêu thương, lòng tôn kính đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Sau khi trình bày, cùng với những món ăn khác, mâm xôi ngũ sắc được kính cẩn đặt lên bàn thờ tổ tiên, rồi sau đó mới mang xuống để mọi người thưởng thức. Xôi ngũ sắc thường ăn với chả thịt nướng hoặc ăn không cũng đã ngon rồi!
|