BÚN BÒ HUẾ

08 Tháng Mười 20129:15 CH(Xem: 20680)
am_thuc_viet_nam_bun_bo_hue

Ngày nay, bún bò Huế đã theo chân những người con của vùng đất Huế thiên di đến khắp mọi miền đất nước. Có thể nói không nơi đâu là không có sự hiện diện của món ăn. Bên cạnh phở Hà Nội, bún thang, bún mắm, bún ốc… bún bò Huế được đánh giá rất cao. Sở dĩ như vậy là vì món ăn này hội tụ được hai yếu tố “thập toàn” và “ngũ đắc”. “Thập toàn” là mười điều cần có để tạo nên một món ăn ngon: ngọt ngào, đậm đà, thơm tho, bổ dưỡng, tinh khiết, bắt mắt, khéo chọn, khéo tay, khéo nấu và khéo bày. “Ngũ đắc” là ai cũng biết, ai cũng mua được, ai cũng ăn được và ai cũng nấu được.

Nấu một nồi bún ngon theo cách của người Huế là cả một quá trình chiêm nghiệm, tìm tòi của “người xưa”. Bún thì sợi phải mềm và dai, ướt, ngọt. Những quán bún nổi tiếng ở Huế không tự mình làm bún mà họ phải mua ở làng Vân Cù, Bao Vinh - hai làng chuyên làm bún cách Huế từ 2 - 10 km. Ngoài sợi bún, bí quyết nhà nghề nằm trong kỹ thuật nấu nồi nước xáo.

Nước bún trong, nếm vào chỉ thấy vị ngọt của nước xương thịt hầm - đạt được hai yêu cầu đó đã là khó, nhưng để cho khách gật gù với món ăn mình đang thưởng thức thì người nấu phải có một bí quyết nêm gia vị, mà cụ thể là nghệ thuật nêm ruốc, vị đặc trưng của bún bò Huế. Làm sao cho món nước vẫn trong, đậm đà mà không nghe mùi ruốc là cả một “nghệ thuật”. Những người bán bún bò có thâm niên tiết lộ rằng : “Phải là ruốc Thuận An, hoà vào trong một xoong nước riêng, nấu sôi, vớt sạch bọt, để thật nguội, chỉ lấy lớp nước trong trên cùng để nấu. Có như vậy mới tránh được hôi ruốc”.

Nấu bún bò phải biết kiên nhẫn , muốn ngon và nước trong thì chớ để lửa to, chịu khó hớt bọt và không phải “một ngày như một mọi ngày”, với một nồi bún Huế, người nấu phải ý tứ theo mùa. Mùa hè thì vị muối nhạt hơn, bên cạnh bao giờ cũng có đĩa rau sống với giá, bắp chuối sứ, rau thơm, ngò trông vừa mát mắt mà ăn lại đỡ ớn. Mùa đông Huế đặc biệt với mưa dầm dề, lạnh cắt thịt da, người nấu bún phải chú ý nêm vị đậm hơn; bên cạnh đó, thêm vài tẻ sả vào nồi nước bún, chỉ ngửi mùi thơm của sả thôi đã thấy thêm ấm lòng dù ngoài trời mưa tầm tã. Ngay cả đến chén nước mắm để dùng thêm với bún bò Huế cũng phải chú ý: phải là loại nước mắm cá, vàng hươm, ớt chín đỏ xắt mỏng từng lát dầm nước mắm. Khách muốn ăn cay, dùng thêm lát ớt mỏng, không “nghe” mùi cay nồng của ớt mà chỉ thấy cay với vị ấm, đậm lạ lùng! 


am_thuc_viet_nam_bun_bo_hue 1
Mùa hè thì vị muối nhạt hơn,bao giờ cũng có đĩa rau sống với ngò trông mát mắt

Một lần đã ăn bún bò rồi , lần sau khó mà cưỡng được sự hấp dẫn của hương vị ngạt ngào của nó bốc lên. Lát thịt bò thăn thái mỏng nâu nâu nhìn rõ những thớ gân trắng trong ngoằn ngoèo tương phản màu sắc bên bao cọng bún to sợi tròn tròn trắng tinh . Lớp váng hỗn hợp xả bằm ,ớt , xào chung hạt điều vàng óng sóng sánh phủ lên bề mặt tô bún thật hấp dẫn , hành lá và nhất là một gốc xả nấu chín cho đậm đà hương sắc.

Người Huế đem nhiều món ăn đi khắp nơi : bánh khoái , bánh bèo , bánh bột lọc , bánh ướt , bánh nậm , bánh lá chả tôm , cơm hến , bún bò ...Nhưng có lẽ món bún bò Huế là món ngon và dễ ăn dễ cảm nhất đối với mọi người chứ không riêng gì dân Huế. Tính đại chúng của bún bò khiến nó được dễ dàng chấp nhận và trở thành món ăn phổ biến của người Sài Gòn. Chính vì thế đã có sự hòa quyện văn hóa ẩm thực vùng miền trong món bún bò Huế trên vùng đất mà nó đi qua và ở lại. Đó là khi tô bún bò Huế đặc trưng ở Sài Gòn còn kèm theo khoanh giò heo, miếng chả bò… thêm hương thêm sắc cho tô bún truyền thống.


am_thuc_viet_nam_bun_bò_hue

Đến Huế, đi bất cứ con đường nào bạn cũng có thể bắt gặp một hoặc vài ba điểm bán bún, có điểm là quán bán trong nhà, nhưng phần lớn bạn sẽ bắt gặp những gánh bún vỉa hè hoặc bán dạo. Chính những gánh bún ấy lại rất đông khách, vì vừa ngon, vừa tiện lợi, mà giá cả hợp với túi tiền “tùng tiệm” nhưng rất sành ăn của người Huế.

Đặt chiếc đòn gánh bóng nhẫn lên vai, thêm một đôi gióng mây,các cô hàng bún ở Huế tuy thức khuya dậy sớm, dãi dầu nắng mưa nhưng khi đến hàng cô, bạn vẫn nhận được nụ cười xinh và tiếng “dạ”, không thánh thót như con gái thị thành mà đậm đà “hương đồng gió nội” của làng quê Thuỷ An.


Nguồn : Tổng hợp

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn